Bóng Bàn Trong Nước

Giới Thiệu Sản Phẩm

Tin Tức Bóng Bàn Ngoài Nước

Thể Thao Khác

Video Bóng Bàn

Kiến Thức Bóng Bàn

Hình Ảnh

Gần Sea Games ôn lại những lần vô địch bóng bàn Sea Games

SEA Games 2017 ở Malaysia, lần đầu tiên sau nhiều năm chỉ là cái bóng của Singapore hay Thái Lan, đội tuyển bóng bàn nam Việt Nam đã lên ngôi vô địch. Nhưng ít ai biết trong quá khứ lẫy lừng của thể thao nước nhà, đồng đội nam bóng bàn đã từng 5 lần liên tiếp vô địch SEAP Games   

Trước khi đến với SEAP Games lần đầu vào năm 1959, bóng bàn miền Nam Việt Nam (MN-VN) đã có huy chương đồng thế giới và vô địch Á vận hội năm 1958 nội dung đồng đội nam. Vì thế khi tranh tài ở khu vực Đông Nam Á đẳng cấp chỉ thường thường bậc trung thì không có gì khó để các tay vợt Việt Nam đạt vị trí đứng đầu, sớm giành được vinh quang.

Niềm vui chiến thắng của Vũ Mạnh Cường ở SEA Games Chiangmai 1995. Bên cạnh là ông Mai Duy Diễn, khi đó là Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và nhà báo Quang Tuyến

Đội tuyển bóng bàn đồng đội nam khi đó dù vắng tay vợt Lê Văn Tiết bận tham dự khóa học quân sự, nhưng các tay vợt còn lại như Trần Cảnh Được, Huỳnh Văn Ngọc, Trần Cảnh Đến, Lý Võ Đường đã đem về cho Việt Nam chức vô địch đồng đội nam. Đó cũng là nội dung duy nhất của môn bóng bàn tổ chức trong SEAP Games lần đầu tiên này.

Khi đó với vị thế của mình đã được thừa nhận ở cấp thế giới, bóng bàn nam Việt Nam đã tạo nên sự kiêng dè của các đối thủ mỗi khi xuất trận. May mắn cho bóng bàn thời đó đã sản sinh ra nhiều tay vợt tên tuổi. Chính Mai Văn Hòa đã tạo nên niềm hứng khởi to lớn từ năm 1958 để thồi bùng sự đam mê và nỗ lực của rất nhiều tay vợt khác lần lượt tiếp nối tạo nên uy danh.

Lê Văn Inh (thứ 2), Phạm Huỳnh Tam Lang (thứ 3) và Võ Văn Bảy (thứ 7) những tài năng làm rang danh thể thao Việt Nam


Cựu danh thủ Trần Cảnh Đến cho biết “ Chúng tôi có năng lực rất đồng đều, mỗi người có một miếng đánh sở trường cũng như luôn tìm tòi học hỏi những thế đánh hay nhất, xoay mặt vợt như thế nào cho phù hợp. Chính vì không có khoảng cách lớn giữa người đánh tiên phong hay số 2, số 3 nên bất cứ trận nào, chúng tôi cũng đều lấn lướt đối thủ trên thế thắng. Thái Lan khi đó rất ngại gặp Việt Nam vì biết đối đầu chỉ từ thua đến thua. Tâm lý cùng với sức bật mạnh mẽ đó giúp bóng bàn Việt Nam hoàn toàn chiếm ưu thế với các đối thủ trong khu vực”

Hàng ngồi từ trái qua Lê Văn Inh, Trần Thanh Dương, Lê Văn Tiết, Huỳnh Văn Ngọc.

Trong 4 kỳ SEAP Games kế tiếp (1961, 1965, 1967 và 1969 – năm 1963 không tổ chức SEAP Games), ngôi số 1 đồng đội nam cũng ở lại với Việt Nam. Từ SEAP Games 1965 có tổ chức thêm 6 nội dung đơn và đôi nam cũng như nữ nên Việt Nam vẫn có thêm 3 huy chương vàng khác thuộc về đơn nam Lê Văn Inh (SEAP Games 1967), đôi nam Huỳnh Văn Ngọc – Trần Thanh Dương (SEAP Games 1965) và đôi nam Lê Văn Inh – Trần Thanh Dương (SEAP Games 1969).

Như vậy, ngoài 5 HCV đồng đội, chính Lê Văn Inh là tay vợt đơn nổi nhất Việt Nam khi thi đấu tại SEAP Games năm 1967 với 1 HCV đôi nam và 1 HCV đơn nam. Ở trận chung kết đơn nam năm 1967, Lê Văn Inh với lối đánh phòng ngự xa bàn đã thắng tay vợt chủ nhà Thái Lan Chayanond 3-1. Có thể nói đây là giai đoạn huy hoàng của bóng bàn Việt Nam với nhiều thành tích lầy lừng, tạo nên ấn tượng vô cùng lớn.

Hàng ngồi Lê Văn Inh (bìa phải). Hàng đứng từ phải qua: Cao Lê Hùng (số 2), Huỳnh Văn Ngọc (thứ ba), Lê Văn Tiết (thứ 5) thi đấu tại SEAP Games năm 1967

Phải đúng 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, bóng bàn nam của Việt Nam mới được các nước trong khu vực ca ngợi trở lại với chiến thắng quá đỗi tự hào và oanh liệt của Vũ Mạnh Cường ở SEA Games Chiangmai (Thái Lan) năm 1995. Đây là chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ vì đã quá lâu mới thấy một tay vợt nam chơi một cách đầy bản lĩnh, có lối đánh như “thêu hoa dệt gấm”.

Mạnh Cường là tay vợt Hải Dương được đào tạo chính quy, nôi tiếng quả giật phải sở trường đầy uy lực khiến cho nhiều đối thủ khi đối đầu với anh không nhìn thấy quả bóng bay như thế nào trước cú giật phải quá mãnh liệt của Cường. Chính anh đã lật đổ tay vợt người Indonesia - đương kim vô địch SEA Games 1993 trong trận chung kết ở Chiangmai.

Nhà báo Quang Tuyến chứng kiến chiến thắng lịch sử này đã viết trên báo Thanh Niên “ Xem Mạnh Cường thi đấu thật vô cùng hứng thú khi anh có những cú giật thuận tay cực mạnh và chính xác khiến đối thủ không biết đường nào để khắc chế. Giây phút đánh bại tay vợt người Indonesia ở những điểm quyết định khiến tất cả mọi người có mặt tại nhà thi đấu như bùng nổ. Tất cả đều lao vào Mạnh Cường ôm chầm lấy anh như một lời cảm ơn vì đã có những cú đánh quyết định quá tuyệt vời không chỉ làm nên điều kỳ diệu cho chính bản thân anh mà còn mang về vinh quang quá lớn vô địch đơn nam cho bóng bàn Việt Nam sau 28 năm chờ đợi” .
Chưa dừng lại ở đó, tấm HCV đơn nam vào năm 2001 cũng mang đến cảm giác kỳ diệu khác. Lúc đó, cục diện bóng bàn Đông Nam Á đã thay đổi với sự xuất hiện của các tay vợt gốc Trung Quốc nhập tịch tại đội tuyển Singapore. Trước SEA Games 2001, không ai tin rằng có một tay vợt ngoài Singapore có thể tranh chấp ngôi vô địch đơn nam. Nhưng năm ấy, Vũ Mạnh Cường tạo nên cú sốc khi vượt qua tay vợt nhập tịch người Trung Quốc bên phía Singapore ở bán kết trước khi thắng tay vợt Indonesia ở chung kết.

Ký tích này còn được thắp sáng khi Vũ Mạnh Cường năm 1997 giành HCV đôi nam nữ với Ngô Thu Thủy tại SEA Games Indonesia. Một mình anh giành 3 HCV quá ấn tượng đến giờ vẫn khó phai.



theo thể thao thanh niên

» » Gần Sea Games ôn lại những lần vô địch bóng bàn Sea Games